vuisong.net

Trầm cảm bà bầu - tình trạng phổ biến trong thai kỳ

Trầm cảm bà bầu - tình trạng phổ biến trong thai kỳ

Trầm cảm bà bầu - tình trạng phổ biến trong thai kỳ

Trầm cảm bà bầu là tình trạng khá phổ biến đối với thai kỳ không những của phụ nữ mang thai lần đầu, mà cả những người đã trải qua nhiều lần mang thai. Biến chứng thai kỳ này ảnh hưởng đến tỷ lệ không nhỏ phụ nữ mang thai. Nếu không được giúp đỡ, nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cả mẹ và thai nhi. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu cụ thể về dạng trầm cảm nguy hiểm này nhé.

1. Trầm cảm bà bầu là gì?

Trầm cảm là một tình trạng bệnh lý về rối loạn cảm xúc, gây cảm giác buồn bã và mất hứng thú với những việc một người thích làm trong cuộc sống hàng ngày. Nó có thể ảnh hưởng (thường theo hướng tiêu cực) đến cách một người cảm nhận, suy nghĩ và hành động.
 
Trầm cảm xảy ra trong quá trình mang thai được gọi là trầm cảm bà bầu, hay trầm cảm thai kỳ. Dạng trầm cảm này khiến mẹ bầu cảm thấy buồn bã trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng trong thai kỳ. Nó có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng và ảnh hưởng đến phụ nữ theo những cách khác nhau.

Trầm cảm bà bầu thường xuất hiện sớm ở 3 tháng đầu thai kỳ. Tình trạng có thể kéo dài đến những tháng sau sinh. Đây là dạng bệnh lý cần được can thiệp, giúp đỡ để tránh các ảnh hưởng lên cả mẹ và bé. 

Trầm cảm bà bầu không hiếm gặpTrầm cảm bà bầu không phải là tình trạng hiếm gặp. Ảnh Internet

2. Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm bà bầu

Trầm cảm bà bầu có khả năng xảy ra với phụ nữ:

  • Đã từng bị trầm cảm
  • Bị rối loạn lo âu
  • Đang trải qua một giai đoạn khó khăn trong cuộc sống, ví dụ như mất người thân hay ly hôn 
  • Không được người thân hay bạn bè hỗ trợ khi mang thai
  • Mang thai ngoài ý muốn
  • Từng phải chịu đựng lạm dụng hay bạo lực gia đình

Trên thực tế, trầm cảm nói chung và trầm cảm bà bầu nói riêng là dạng bệnh lý vô cùng phức tạp. Nó có thể là sự kết hợp của nhiều yếu tố giải thích được hoặc không. Nên dù có một số trường hợp có khả năng mắc trầm cảm bà bầu cao hơn, nhưng nó có thể xảy ra với bất kỳ người phụ nữ mang thai nào. 

3. Dấu hiệu của trầm cảm bà bầu

Dấu hiệu điển hình của trầm cả bà bầu có thể bao gồm, mẹ bầu:

3.1. Có những thay đổi về cảm xúc

Mẹ bầu:

  • Lúc nào cũng cảm thấy chán nản
  • Không bận tâm đến mọi thứ xung quanh
  • Không tận hưởng những điều vui vẻ, tốt đẹp trong cuộc sống hàng ngày
  • Luôn thấy buồn sầu
  • Luôn cảm thấy cáu kỉnh và không muốn ở bên cạnh người khác
  • Luôn thấy bồn chồn và kích động
  • Cảm thấy mất tự tin
  • Cảm thấy mình vô dụng
  • Cảm thấy mình tội lỗi
  • Hay khóc không có lý do
  • Có ý nghĩ làm hại bản thân hay tự tử

Mẹ bầu buồn bãLuôn cảm thấy buồn sầu có thể là một trong các dấu hiệu liên quan đến trầm cảm mẹ bầu. Ảnh Internet

3.2. Có những thay đổi trong lối sống

Mẹ bầu:

  • Ăn nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường
  • Không thể tập trung hoặc đưa ra quyết định 
  • Khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều
  • Tránh né gặp gỡ người thân, bạn bè
  • Không còn hứng thú đối với những thứ, những việc mình vẫn thích làm 

3.3. Có những thay đổi về cơ thể

Mẹ bầu:

  • Không có sức sống, luôn thấy mệt mỏi
  • Thường xuyên bị đau đầu, đau bao tử hoặc những cơn đau khác 

3.4. Có những thay đổi trong suy nghĩ về em bé

Mẹ bầu:

  • Không cảm nhận được sự kết nối với em bé trong bụng
  • Có suy nghĩ làm tổn thương bản thân hoặc em bé

Không phải mẹ bầu bị trầm cảm thai kỳ đều biểu hiện tất cả các triệu chứng trên. Chúng có thể xuất hiện từ từ, hoặc đột nhiên mẹ thấy vô cùng chán nản.

4. Làm sao để nhận biết được mẹ bị trầm cảm bà bầu

Việc nhận biết sớm tình trạng trầm cảm bà bầu sẽ vô cùng hữu ích vì mẹ được giúp đỡ kịp thời, sẽ tránh được ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân và thai nhi trong thai kỳ cũng như sau sinh. Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào để nhận biết được bản thân đang mắc phải trầm cảm thai kỳ.

Vì mang thai là một khoảng thời gian, một trải nghiệm kì diệu đầy cảm xúc với bất kỳ người phụ nữ nào. Đôi khi rất khó để biết được liệu đây là những cảm xúc mà bản thân mẹ kiểm soát được hay là dấu hiệu của điều gì đó nghiêm trọng hơn. 

4.1. Tự đánh giá cảm xúc của bản thân

Khi có thai, cơ thể mẹ bầu trải qua rất nhiều thay đổi từ ngoại hình đến tâm lý, cảm xúc. Nội tiết tố thai kỳ là nguyên nhân chính dẫn đến những thay đổi này. Và tất cả đều có thể khiến mẹ lo lắng thấp thỏm. Điều quan trọng là mẹ hãy tin tưởng vào chính mình, vì mẹ là người đánh giá chính xác nhất xem cảm xúc của bản thân có bình thường hay không. 

Nếu mẹ cảm nhận được bất kì điều gì bất thường và tình trạng này kéo dài hơn 2 tuần, hãy nói chuyện với một người nào đó, có thể là chồng, người thân hay bạn bè.

4.2. Khi nào cần đến sự trợ giúp từ các chuyên gia

Nếu mẹ bầu lo lắng bị người khác đánh giá và cho rằng bản thân đang cường điệu hóa mọi thứ, mẹ hãy tìm đến bác sĩ sản khoa hay chuyên gia về sức khỏe tâm thần. Những chuyên gia về sức khỏe là người ý thức rất rõ về tình trạng bệnh lý này và hiểu được tầm quan trọng của việc giúp đỡ mẹ đúng cách, đúng hướng. Mẹ sẽ không cần lo lắng việc bản thân bị phán xét hay đánh giá theo hướng tiêu cực.

Trầm cảm bà bầu cần được can thiệp giúp đỡ kịp thờiTrầm cảm bà bầu cần được can thiệp và giúp đỡ kịp thời. Ảnh Internet

Một khi được can thiệp kịp thời, tình trạng trầm cảm bà bầu sẽ được cải thiện theo hướng tích cực. Mẹ có thể tiếp tục thai kỳ và giai đoạn sau sinh một cách khỏe và lành mạnh. 

Trầm cảm bà bầu là một tình trạng sức khỏe tâm thần, không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Nó có thể xảy ra với bất cứ ai và không phải là lỗi của người bị rơi vào trạng thái này. Điều quan trọng là trầm cảm bà bầu, cũng như bất cứ dạng trầm cảm nào khác, rất cần được nhận biết sớm để được can thiệp, giúp đỡ kịp thời. Như vậy, chất lượng cuộc sống của người mắc nó sẽ được cải thiện theo hướng tích cực hơn.

BBT Vuisong.net 


Nguồn tham khảo:

1. Depression in pregnancy, PregnancyHub, Tommys.org

2. Depression during pregnancy, Marchofdimes.org