vuisong.net

Sợ giao tiếp xã hội là gì, có phải là vấn đề nghiêm trọng không?

Sợ giao tiếp xã hội là gì, có phải là vấn đề nghiêm trọng không?

Sợ giao tiếp xã hội là gì, có phải là vấn đề nghiêm trọng không?

Sợ giao tiếp xã hội là một trạng thái nghe có vẻ kì lạ nhưng lại không phải hiếm gặp. Bạn nghĩ nó đơn thuần do tính cách của một người gây ra nhưng thực tế, đây là một dạng rối loạn lo âu có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc ở nhiều mức độ. Để hiểu rõ hơn, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về tình trạng sợ giao tiếp xã hội này nhé.

1. Sợ giao tiếp xã hội là gì?

1.1. Về vấn đề sợ giao tiếp xã hội 

Trong cuộc sống, trong quá trình làm việc hay học tập, chắc chắn ai cũng đã từng ít nhiều trải qua cảm giác lo sợ, bồn chồn. Bạn lo lắng khi phải trình bày một kế hoạch nào đó với cấp trên? Bạn hồi hộp khi chuẩn bị gặp đối tượng trong buổi hẹn hò đầu tiên? Đó hoàn toàn là cảm xúc bình thường.

Tuy nhiên, nếu mọi tương tác hàng ngày đều khiến một người lo lắng, tự ti và xấu hổ vì sợ bị người khác phán xét hay đánh giá tiêu cực, thì rất có khả năng người đó đang mắc phải chứng sợ giao tiếp xã hội. 

Sợ giao tiếp xã hội hay ám ảnh xã hội là một dạng rối loạn lo âu có thể dẫn đến sự né tránh và làm gián đoạn cuộc sống của người mắc. Nỗi sợ mà họ gặp phải mãnh liệt tới mức họ thấy nó nằm ngoài sự kiểm soát của bản thân. Sự căng thẳng nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ, thói quen hàng ngày, công việc, quá trình học tập và các hoạt động khác của người đó. 

Cô gái buồn vì bị chung quanh phán xétNếu mọi tương tác hàng ngày khiến một người lo lắng thái quá có thể là đang mắc chứng sợ giao tiếp xã hội. Ảnh Internet

1.2. Về rối loạn lo âu xã hội

Rối loạn lo âu xã hội thường bắt đầu ở giai đoạn cuối thời thơ ấu mà chúng ta thường tưởng nhầm là sự nhút nhát hoặc né tránh các tình huống hoặc tương tác xã hội. Nó xảy ra thường xuyên hơn ở nữ giới so với nam giới, và sự khác biệt về giới tính này thể hiện một cách rõ rệt hơn ở tuổi thanh thiếu niên và thiếu niên.  

Tình trạng này thuộc về trạng thái sức khỏe tinh thần mãn tính, nhưng có thể can thiệp để cải thiện dựa vào việc học các kỹ năng đối phó về mặt tâm lý và dùng thuốc cho vấn đề thể chất. Nếu không điều trị, chứng sợ giao tiếp xã hội này có thể kéo dài trong nhiều năm, thậm chí suốt đời. 

2. Triệu chứng của tình trạng sợ giao tiếp xã hội

Cũng như các dạng rối loạn về tâm thần, sợ giao tiếp xã hội cũng có những triệu chứng đặc trưng cả về tâm lý và thể chất, trong đó có thể bao gồm:

2.1. Triệu chứng về cảm xúc và hành vi của tình trạng sợ giao tiếp xã hội

Các dấu hiệu và triệu chứng về cảm xúc và hành vi của sợ giao tiếp xã hội có thể gồm, một người:

  • Sợ những tình huống mà bản thân có thể bị đánh giá tiêu cực
  • Lo lắng về việc tự làm bản thân xấu hổ
  • Sợ hãi tột độ khi tương tác hoặc nói chuyện với người lạ
  • Sợ người khác nhận ra bản thân đang lo lắng
  • Sợ các biểu hiện về thể lý có thể khiến bản thân xấu hổ, ví dụ như: đỏ mặt, đổ mồ hôi, run rẩy hoặc giọng run
  • Tránh làm việc hoặc nói chuyện với mọi người vì sợ bị xấu hổ
  • Tránh những tình huống mà bản thân có thể là trung tâm của sự chú ý
  • Lo lắng vì nghĩ rằng các hoạt động hay sự kiện khủng khiếp sắp xảy ra
  • Cực kỳ lo lắng hay sợ hãi khi tham gia các tình huống xã hội
  • Luôn dự đoán hậu quả tồi tệ nhất cho một sự việc vì đã từng có trải nghiệm tiêu cực trong một tình huống xã hội trước đó
  • Tự phân tích biểu hiện và chỉ trích khả năng giao tiếp của bản thân

Cô gái che mặtCực kỳ lo lắng hay sợ hãi khi tham gia các tình huống xã hội có thể là triệu chứng liên quan sợ giao tiếp xã hội. Ảnh Internet

2.2. Triệu chứng về thể lý của người mắc chứng sợ giao tiếp xã hội

Ngoài các triệu chứng về cảm xúc và hành vi, người mắc chứng sợ giao tiếp xã hội cũng có các biểu hiện về thể lý khi đối mặt với giao tiếp xã hội hoặc các tình huống liên quan, có thể bao gồm, một người bị:

  • Đỏ mặt
  • Tim đập nhanh
  • Run rẩy
  • Đổ mồ hôi
  • Đau bụng hoặc buồn nôn
  • Khó thở
  • Chóng mặt hoặc choáng váng
  • Có cảm giác đầu óc trở nên trống rỗng
  • Căng cơ

2.3. Hành vi né tránh các tình huống xã hội phổ biến của người sợ giao tiếp xã hội

Người sợ giao tiếp xã hội sẽ cố gắng tránh né những tình huống xã hội phổ biến, đó là, một người sẽ tránh:

  • Tương tác với người lạ
  • Tham gia các bữa tiệc hoặc các cuộc tụ họp
  • Đi làm hoặc đi học
  • Bắt đầu một cuộc trò chuyện với người khác
  • Giao tiếp mắt
  • Đi hẹn hò
  • Trả lại hàng cho cửa hàng
  • Bước vào một căn phòng đã có người ngồi
  • Ăn trước mặt người khác
  • Sử dụng nhà vệ sinh công cộng

Các triệu chứng sợ giao tiếp xã hội của một người có thể thay đổi theo thời gian. Chúng có thể bùng phát nếu người đó phải đối mặt với nhiều sự thay đổi, căng thẳng hoặc yêu cầu của cuộc sống. Việc tránh những tình huống gây lo lắng giúp họ thấy dễ chịu một cách tạm thời nhưng sự lo lắng đó sẽ tiếp tục kéo dài và có khả năng trở nên nghiêm trọng hơn nếu không được can thiệp, giúp đỡ. 

3. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sợ giao tiếp xã hội

Cũng như nhiều tình trạng sức khỏe tâm thần khác, sợ giao tiếp xã hội có khả năng phát sinh từ sự tương tác phức tạp giữa các yếu tố sinh học và môi trường. Các yếu tố có thể bao gồm:

3.1. Yếu tố di truyền góp phần dẫn đến tình trạng sợ giao tiếp xã hội

Là một dạng của rối loạn lo âu, sợ giao tiếp xã hội có xu hướng di truyền trong gia đình. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng về tỷ lệ mắc chứng này do di truyền là bao nhiêu, và bao nhiêu là do sự tiếp thu từ hành vi. Cũng không ai biết chắc tại sao một số thành viên trong gia đình lại mắc chứng này trong khi những người khác lại không bị. 

Người lo lắngLà một dạng của rối loạn lo âu, sợ giao tiếp xã hội có xu hướng di truyền trong gia đình. Ảnh Internet

3.2. Cấu trúc não ảnh hưởng đến việc mắc chứng sợ giao tiếp xã hội

Một cấu trúc trong não gọi là amygdala - một trong hai nhóm nhân hình quả hạnh nằm sâu trong thùy thái dương, có thể đóng vai trò kiểm soát phản ứng sợ hãi. Những người có hạch hạnh nhân này hoạt động quá mức có khả năng tăng phản ứng sợ hãi, gây lo lắng nhiều hơn trong các tình huống xã hội. 

3.3. Môi trường là yếu tố góp phần gây ra tình trạng sợ giao tiếp xã hội

Môi trường là một yếu tố góp phần gây ra tình trạng sợ giao tiếp xã hội. Một người có thể phát triển sự lo lắng đáng kể sau một tình huống xã hội khó chịu hoặc đáng xấu hổ, đây gọi là hành vi học được. Ngoài ra, có mối liên hệ giữa chứng rối loạn lo âu xã hội với những bậc cha mẹ có “gương” lo lắng trong các tình huống xã hội, hoặc kiểm soát, bảo vệ con cái quá mức. 

4. Khi nào cần đến sự giúp đỡ của bác sĩ, chuyên gia

Khi một người:

  • Thường xuyên sợ hãi, tránh né các tình huống xã hội thông thường vì chúng gây bối rối, lo lắng và hoảng sợ
  • Lo ngại bản thân đang xó những triệu chứng của tình trạng sợ giao tiếp xã hội

thì hãy trao đổi với bác sĩ hay chuyên gia về sức khỏe tâm thần để được đánh giá, chẩn đoán và đưa ra những hướng dẫn, điều trị cần thiết.
 
Sợ giao tiếp xã hội là tình trạng sức khỏe tâm thần cần được đánh giá một cách nghiêm túc để can thiệp kịp thời. Sự giúp đỡ về chuyên môn sẽ giúp người mắc chứng này cải thiện về tâm lý cũng như hành vi. Từ đó họ có thể sẽ có cuộc sống cũng như quá trình làm việc, học tập và các mối quan hệ xã hội lành mạnh hơn.

BBT Vuisong.net


Nguồn tham khảo:

1. Social anxiety disorder, Mayoclinic.org

2. Social Anxiety Disorder: More Than Just Shyness,  NIH