vuisong.net

Hiện tượng nghiện công nghệ và 6 dạng phổ biến nhất

Hiện tượng nghiện công nghệ và 6 dạng phổ biến nhất

Hiện tượng nghiện công nghệ và 6 dạng phổ biến nhất

Hiện tượng nghiện công nghệ có lẽ không còn xa lạ trong cuộc sống hiện đại. Chúng ta rất dễ dàng bắt gặp cảnh mọi người đều chú ý vào thiết bị kỹ thuật số của mình dù đang trong bữa ăn gia đình, họp mặt bạn bè hay hoạt động cộng đồng. Chúng ta cho rằng chỉ nghiện trò chơi điện tử hay nghiện mạng xã hội mới là nghiện công nghệ. Thực ra, dạng nghiện này còn bao gồm cả các hoạt động khác liên quan đến kỹ thuật số, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.

1. Vì sao hiện tượng nghiện công nghệ được xem là một dạng “nghiện”

Chúng ta vẫn biết đến tình trạng nghiện thường liên quan đến một loại chất nào đó có thể tác động trực tiếp đến sức khỏe và tinh thần của một người. Vậy vì sao hiện tượng nghiện công nghệ cũng được xem là một dạng nghiện?

Hiện tượng nghiện công nghệ được coi là chứng nghiện vì nó liên quan đến các yếu tố, một người có thể:

  • Không kiểm soát được lượng thời gian dành cho các thiết bị kỹ thuật số
  • Cần thêm thời gian hoặc những thứ mới liên quan đến công nghệ để đạt được hiệu quả mong muốn
  • Trải qua các triệu chứng suy sụp khi không được dùng các thiết bị công nghệ
  • Tiếp tục bị ám ảnh về việc sử dụng các thiết bị công nghệ bất chấp những hậu quả tiêu cực đã xảy ra đối với cuộc sống và sức khỏe của người khác
  • Bị ảnh hưởng đến đời sống xã hội, công việc và việc học tập

Chứng nghiện công nghệNghiện công nghệ được coi là chứng nghiện. Ảnh Pixabay

2. 6 hình thức phổ biến của hiện tượng nghiện công nghệ

Không chỉ trò chơi điện tử hay mạng xã hội mới được liệt vào hiện tượng nghiện công nghệ, mà nó còn bao gồm một số hình thức khác, chúng ta hãy cùng xem cụ thể nhé.

2.1. Trò chơi điện tử là một hình thức khá phổ biến của hiện tượng nghiện công nghệ

Trong số các dạng của hiện tượng nghiện công nghệ thì có lẽ trò chơi điện tử là hình thức thường gặp nhất.

Hiện nay, trò chơi điện tử đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Chúng không chỉ có trên máy tính bảng, máy tính để bàn hay máy tính xách tay mà cả điện thoại. 

Một số trò chơi được nhiều người yêu thích hiện nay gồm: Fortnite, World of Warcraft, League of Legends, PlayerUnknow’s Battlegrounds (PUBG), Roblox, Angry Birds, Audition 2, và nhiều trò khác.

Sở dĩ trò chơi điện tử dễ gây nghiện vì mỗi trò đều có phần thưởng, tính năng ẩn hay nhiệm vụ phụ. Mỗi khi một cá nhân hoàn thành một cấp độ, đánh bại trùm, giết đối thủ, mở khóa một người chơi hay cấp độ mới, cá nhân đó sẽ thấy cực kỳ phấn khích do lượng dopamine tăng lên. Cảm giác thích thú này có thể gây nghiện và kích thích người đó tiếp tục chơi mãi vì có một số trò không bao giờ kết thúc. 

Các trò chơi tương tác xã hội như Esports cũng ngày càng trở nên phổ biến. Trò chơi dạng này có thể hấp dẫn về mặt xã hội hơn trò chơi một người nhưng vì là thê giới ảo nên có khả năng dẫn đến cảm giác tương tác xã hội sai lệch. 

Chơi game còn có thể kết hợp với cờ bạc, ví dụ như cá cược thể thao điện tử và dẫn đến chứng nghiện kép cả game cả cờ bạc. 

Nghiện gameTrò chơi điện tử là một hình thức khá phổ biến của hiện tượng nghiện công nghệ. 

2.2. Nghiện mạng xã hội cũng là hiện tượng nghiện công nghệ cực kỳ phổ biến

So với trò chơi điện tử thì mạng xã hội cũng là hình thức vô cùng phổ biến của hiện tượng nghiện công nghệ.

Các nền tảng truyền thông xã hội như Tiktok, Facebook, Instagram, Twitter, Snapchat, và một số nền tảng khác có tính gây nghiện cực kỳ cao. Youtube cũng có thể được nhóm vào danh sách này.

Mỗi cá nhân khi nhận được tương tác thông qua một lượt “thích (like)”, “bình luận (comment)”, hay “theo dõi (follow)”, não bộ của cá nhân đó sẽ giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh đem lại cảm giác dễ chịu, thích thú, từ đó dẫn đến việc muốn tương tác nhiều hơn. 

Phương tiện truyền thông xã hội, giống như trò chơi xã hội có thể tạo ra cảm giác sai lệch về sự gắn kết xã hội khiến các cá nhân cảm thấy cô đơn hay bị cô lập.

Hành động “cuộn” không ngừng các nguồn dữ liệu, các thông tin mới trên mạng xã hội là cách mà nhiều người dùng để giải tỏa sự cô đơn, chống lại sự nhàm chán và lấp đầy những khoảng trống tâm lý khác. 
“Doomscrolling - trạng thái chán nản sau khi tiếp nhận quá nhiều thông tin tiêu cực từ internet” và nỗi lo sợ bị phớt lờ, cũng đóng vai trò lớn trong việc gây nghiện mạng xã hội. 

Ngoài ra, hình thức nghiện mạng xã hội còn liên quan đến việc mọi người quá chú trọng đến bề ngoài, hoặc đánh giá cuộc sống của người khác chỉ qua những tấm hình chụp phù phiếm đăng lên mạng xã hội. Trong khi trên thực tế, đây là những bức hình được chụp qua các phần mềm chỉnh sửa hoặc được “chính chủ” chỉnh sửa kỹ càng trước khi đăng lên mạng. 

Việc quá tập trung vào hình thức có thể góp phần gây ra các dạng rối loạn khác như rối loạn mặc cảm cơ thể, nghiện phẫu thuật thẩm mỹ hoặc các phương pháp thay đổi ngoại hình mang tính tiêu cực khác.

2.3. Nghiện cờ bạc trực tuyến là hình thức nguy hiểm của hiện tượng nghiện công nghệ

Trong khi các dạng nghiện khác về trò chơi hay mạng xã hội ảnh hưởng nhiều về mặt tinh thần, thì nghiện cờ bạc trực tuyến là một hình thức nguy hiểm của hiện tượng nghiện công nghệ. Nó có thể gây nguy hại trực tiếp về mặt vật chất cho cá nhân, thậm chí cả một gia đình. 

Nghiện cờ bạc onlineNghiện cờ bạc trực tuyến là hình thức nguy hiểm của nghiện công nghệ. Ảnh Internet

Trong khi cờ bạc đã được công nhận là một chứng rối loạn sức khỏe tâm thần thì việc nghiện cờ bạc trực tuyến được xem là chứng nghiện song song.

Cờ bạc trực tuyến bao gồm nhưng không giới hạn ở các trò chơi sòng bạc trực tuyến, poker trực tuyến, cá cược thể thao trực tuyến, cờ bạc thể thao điện tử, giao dịch trong ngày và giao dịch tiền điện tử.

Trong số các dạng nghiện khác nhau, kể cả nghiện chất gây nghiện, thì nghiện cờ bạc có tỷ lệ tự tử cao nhất. Vì vậy, giải quyết chứng nghiện cờ bạc ngay khi nó phát sinh là việc vô cùng quan trọng cà cần thiết. 

2.4. Nghiện nội dung khiêu dâm (nghiện tình dục trực tuyến) - một hình thức tiêu cực của hiện tượng nghiện công nghệ

Nghiện phim khiêu dâm là hành động xem loại phim ảnh này một cách ám ảnh và cưỡng bức. Nó thường đi kèm với thủ dâm quá mức, rối loạn giới tính và phụ thuộc cảm xúc vào phim ảnh đồi trụy. 

Hình thức này của hiện tượng nghiện công nghệ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tình dục của một cá nhân. Nó khiến họ ít quan tâm đến hoạt động tình dục thực sự hơn đồng thời khiến các mối quan hệ ở đời thực trở nên xấu đi. 

Dạng nghiện này thường dẫn một người đến cảm giác xấu hổ, tội lỗi, cô đơn, buồn bã và thất vọng.   

2.5. Nghiện mua sắm trực tuyến cũng là một hình thức của hiện tượng nghiện công nghệ

Nghiện mua sắm trực tuyến nghe có vẻ vô hại nhưng thực ra nó cũng là một hình thức của hiện tượng nghiện công nghệ.

Chứng nghiện mua sắm trực tuyến hay chứng rối loạn mua sắm cưỡng bức, là chứng nghiện thuộc về hành vi. Người nghiện sẽ bị thôi thúc thực hiện các hoạt động mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến một cách bốc đồng. 

Hành vi mua sắm cưỡng ép này sẽ tạm thời giúp người nghiện thấy vui vẻ, dễ chịu cũng như giúp họ trốn tránh cảm giác tiêu cực, nhàm chán. 

Nghiện mua sắm trực tuyến không chỉ là nghiện việc mua sắm, mà là nghiện cảm giác hào hứng khi duyệt các mặt hàng, dịch vụ trước khi mua.

2.6. Nghiện kỹ thuật số liên quan đến công việc 

Ngoài các dạng nghiện mang tính tiêu cực, thì nghiện kỹ thuật số liên quan đến công việc cũng được xem là một hình thức của hiện tượng nghiện công nghệ. 

Nghiện công việc liên quan kỹ thuật sốNghiện kỹ thuật số liên quan đến công việc cũng được xem là một hình thức của hiện tượng nghiện công nghệ. Ảnh Internet

Mặc dù nghiện công việc khác với nghiện kỹ thuật số nhưng trên thực tế, thường có những vấn đề về công nghệ liên quan đến chứng nghiện công việc. Tình trạng này đặc biệt đúng với những người ở vị trí quản lý, điều hành hay làm việc văn phòng. 

Khi một người bị quá ràng buộc vào công việc, và công việc được thực hiện, theo dõi, quản lý thông qua thiết bị kỹ thuật số, thì sự kết nối với gia đình, bạn bè, người thân rất dễ bị ảnh hưởng. Sức khỏe tinh thần và thể chất của người đó cũng không nằm ngoài phàm vi ảnh hưởng này. 

Hiện tượng nghiện công nghệ đang ngày càng trở thành mối nguy hại cho đời sống thực của xã hội hiện nay. Việc nhận biết và can thiệp kịp thời để hiện tượng này không gây quá nhiều ảnh hưởng tiêu cực lên mỗi người, mỗi gia đình là việc làm quan trọng và cần thiết. Điều này đòi hỏi sự hợp tác và tinh thần quyết tâm của mỗi cá nhân cũng như những người xung quanh. 

BBT Vuisong.net


Nguồn tham khảo:

1. Technology Addiction, Clint Mally, Sandstonecare.com

2. The 6 most common types of tachnology addition, Lin Sternlicht & Aaron Sternlicht, Familyadditcionspecialist.com