vuisong.net

Dấu hiệu bị căng thẳng dễ nhận biết nhất và cách để cải thiện hiệu quả

Dấu hiệu bị căng thẳng dễ nhận biết nhất và cách để cải thiện hiệu quả

Dấu hiệu bị căng thẳng dễ nhận biết nhất và cách để cải thiện hiệu quả

Căng thẳng là tình trạng khá thường gặp đối với hầu hết mọi người trong cuộc sống hiện tại. Những xu hướng, nhu cầu, thôi thúc của xã hội và của đám đông, lẫn của chính mỗi cá nhân vô hình gây áp lực. Điều này khiến chúng ta cảm thấy căng thẳng với mức độ khác nhau ở những thời điểm khác nhau. Tình trạng căng thẳng kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày của người bị căng thẳng và cả những người xung quanh. Vậy làm thế nào để nhận biết được các dấu hiệu căng thẳng? Qua đó giúp chúng ta có hướng xử lý tình trạng này? Mời bạn cùng tìm hiểu chi tiết nhé.

1. Dấu hiệu bị căng thẳng

Trạng thái căng thẳng có thể ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần và cả hành vi của bạn. Những dấu hiệu bị căng thẳng thường gặp có thể gồm:

1.1. Dấu hiệu bị căng thẳng thể hiện qua tình trạng thể chất

Một số dấu hiệu bị căng thẳng thể hiện qua tình trạng thể chất có thể gồm, một người sẽ bị:

  • Đau đầu hoặc chóng mặt
  • Căng hoặc đau cơ
  • Đau ngực hoặc tim đập nhanh
  • Mệt mỏi
  • Thay đổi ham muốn tình dục
  • Đau dạ dày hoặc gặp vấn đề về tiêu hóa
  • Gặp vấn đề về giấc ngủ (mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều)
  • Dễ bị ốm do hệ thống miễn dịch bị yếu đi

Người đàn ông mệt mỏiThường xuyên mệt mỏi có thể là dấu hiệu bị căng thẳng. Ảnh Pixabay

1.2. Dấu hiệu bị căng thẳng thể hiện qua tâm trạng

Những dấu hiệu căng thẳng cũng biểu hiện qua tâm trạng, có thể gồm, một người:

  • Dễ thấy lo lắng, buồn sầu
  • Cảm thấy bồn chồn
  • Cảm thấy thiếu động lực hay khó tập trung
  • Hay quên
  • Dễ cảm thấy choáng ngợp
  • Dễ gắt gỏng hoặc tức giận
  • Khá chật vật hoặc phải đấu tranh tư tưởng dữ dội khi cần đưa ra một quyết định

1.3. Dấu hiệu bị căng thẳng thể hiện qua hành vi

Dấu hiệu bị căng thẳng cũng biểu hiện qua sự thay đổi hành vi, một người có thể:

  • Ăn uống vô độ hoặc biếng ăn
  • Thường bộc phát cơn cáu kỉnh, giận dữ
  • Lạm dụng chất gây nghiện như ma túy hoặc rượu
  • Hút thuốc lá (dù trước đó không sử dụng)
  • Tránh đến một số  nơi hoặc gặp một số người nhất định, thường ở nhà hơn
  • Ít vận động hơn

2. Bạn nên làm gì khi nhận thấy dấu hiệu bị căng thẳng?

Nếu bạn nhận thấy bản thân đang có các dấu hiệu bị căng thẳng, việc thực hiện các bước để kiểm soát chúng sẽ mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe. Các bước có thể bao gồm:

  • Hoạt động thể chất thường xuyên vào hầu hết các ngày trong tuần
  • Thực hành các kỹ thuật giúp cơ thể thư giãn, ví dụ như hít thở, tập yoga, thiền, thái cực quyền hoặc mát xa
  • Cố gắng duy trì tinh thần lạc quan
  • Dành thời gian với gia đình, bạn bè
  • Dành thời gian cho các sở thích của bản thân như đọc sách, nghe nhạc hoặc đi dạo. Đã đến lúc bạn sắp xếp thời gian cho những đam mê của mình
  • Viết nhật ký
  • Ngủ đủ giấc
  • Ăn uống lành mạnh, điều độ và cân bằng
  • Tránh xa rượu, thuốc lá và những chất gây nghiện khác

Bạn hãy cố gắng tìm những cách tích cực, năng động để quản lý trạng thái căng thẳng của bản thân. Vì những cách thức thụ động khiến bạn không phải hoạt động nhiều, trông có vẻ thư giãn, nhưng lại có thể khiến tình trạng căng thẳng của bạn tăng lên theo thời gian. Các hoạt động đó có thể kể đến như xem tivi, truy cập internet hay chơi trò chơi điện tử.

Tập yoga cải thiện căng thẳngTập yoga là một cách hiệu quả để giúp kiểm soát tình trạng căng thẳng. Ảnh Pixabay

3. Khi nào cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ, chuyên gia 

Nếu bạn thấy bản thân có các dấu hiệu bị căng thẳng nhưng không chắc có phải do mình bị căng thẳng hay không, hoặc bạn đã thực hiện các bước kiểm soát căng thẳng nhưng thấy các biểu hiện vẫn tiếp tục, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia.

Bạn có thể đến gặp bác sĩ, chuyên gia tư vấn hoặc nhà trị liệu. Họ sẽ giúp bạn tìm ra nguồn gốc gây căng thẳng. Đồng thời, họ sẽ hướng dẫn bạn thực hiện các phương pháp đối phó mới.

Ngoài ra, nếu bạn cảm thấy bị đau ngực, đặc biệt là có cảm giác khó thở, đau hàm, lưng, vai, đổ mồ hôi, chóng mặt hay buồn nôn, hãy liên hệ với cơ quan y tế gần nhất để được trợ giúp khẩn cấp. Vì các biểu hiện trên có thể là dấu hiệu cảnh báo một cơn đau tim chứ không chỉ đơn giản là triệu chứng của tình trạng căng thẳng. 

Hẹn gặp bác sĩBạn có thể đến gặp bác sĩ, nhà trị liệu hoặc chuyên gia tư vấn để được giúp đỡ một cách chuyên nghiệp. Ảnh Pixabay

4. Những việc bạn không nên làm khi bản thân có dấu hiệu bị căng thẳng

Khi nhận thấy bản thân có dấu hiệu bị căng thẳng, có thể bạn sẽ muốn kiểm soát chúng bằng cách tự hành động. Tuy nhiên, có một số việc bạn không nên làm, đó là:

4.1. Đừng cố gắng làm mọi thứ cùng một lúc

Khi nhận thấy bạn đang căng thẳng, bạn cần một chút khoảng trống. Bạn đừng cố gắng làm mọi thứ cùng một lúc. Bạn hãy đặt ra những mục tiêu nhỏ mà bạn có thể dễ dàng đạt được. Sau đó, tập trung thực hiện các mục tiêu này lần lượt.

Bạn cũng cần nhìn nhận rõ ràng rằng, đang ở tình trạng căng thẳng, bạn không thể hoàn thành mọi thứ cùng một lúc. Ngay cả khi bạn dồn hết mọi nỗ lực để thực hiện, bạn cũng không thể giải quyết hết mọi thứ cùng thời điểm. 

4.2. Đừng tập trung vào những điều bạn không thể thay đổi

Tập trung nhiều sức lực vào những điều không thể thay đổi là việc hầu như chúng ta đều mắc phải. Trong khi đó, thực tế không những không giải quyết được gì, mức độ căng thẳng nơi bạn có thể sẽ tăng lên. Do đó, bạn đừng tập trung vào những điều bạn không thể thay đổi. Thay vào đó, hãy tập trung thời gian và sức lực để giúp bản thân cảm thấy tốt hơn.

4.3. Đừng cố gắng nói với bản thân rằng bạn cô đơn

Khi căng thẳng, hầu hết chúng ta đều tự nhủ hoặc cảm thấy mình thật cô đơn, thậm chí đơn độc. Thực tế không phải vậy. Hầu hết mọi người đều cảm thấy căng thẳng ở một thời điểm, một giai đoạn nào đó trong cuộc sống. Và, ai trong chúng ta cũng đều luôn có sự hỗ trợ xung quanh mình, bạn cũng vậy. 

Giúp nhau leo núiBạn không cô đơn. Ảnh Pixabay

4.4. Không dùng các cách tiêu cực để giảm căng thẳng

Bạn hãy cố gắng không sử dụng rượu, thuốc lá, cờ bạc hoặc ma túy để giảm bớt căng thẳng. Đây là cách làm tiêu cực. Các cách làm ấy có thể góp phần làm cho sức khỏe tâm thần của bạn ngày càng kém đi. 

Những việc trên không phải dễ thực hiện, nhất là khi bạn đang trong trạng thái căng thẳng. Đó là lý do bạn cần dùng ý chí, nỗ lực và cả sự giúp đỡ của người thân, bạn bè, những người bạn tin tưởng để có thể làm được.

Các dấu hiệu bị căng thẳng có thể ảnh hưởng đến đến sức khỏe của bạn, ngay cả khi bạn không nhận ra điều đó. Bạn nghĩ rằng một căn bệnh nào đó khiến bạn bị đau đầu khó chịu, khó ngủ. Hoặc, bạn cảm thấy không khỏe hay không thể tập trung vào công việc. Tuy nhiên, căng thẳng có khả năng là nguyên nhân của mọi vấn đề. Hiểu rõ được tình trạng này và các dấu hiệu của nó sẽ giúp bạn xử lý được vấn đề một cách hiệu quả hơn. 

BBT Vuisong.net

Lưu ý:

1. Bài viết tổng hợp thông tin hữu ích liên quan chủ đề để cung cấp đến bạn đọc. 
2. Bài viết không có tác dụng hay làm cơ sở chẩn đoán, hoặc đưa ra giải pháp, cách điều trị căng thẳng (stress). 
3. Bài viết không liên quan đến trách nhiệm kết luận, chẩn đoán, đưa ra giải pháp, cách điều trị căng thẳng. 
4. Bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin được xuất bản/ cung cấp đến người đọc ở các thời điểm khác nhau, các nghiên cứu & dữ liệu khác nhau. Do đó, bài viết không phải là kết quả thông tin ở một thời điểm hay ở thời điểm hiện tại hoặc mới nhất. Bạn đọc nếu có mong muốn tìm hiểu thông tin ở một thời điểm chính xác hoặc ở thời điểm hiện tại, nên trích lục thêm các bài viết mới nhất liên quan đến "căng thẳng" và "dấu hiệu bị căng thẳng" từ các trang thông tin uy tín. 


Nguồn tham khảo:

  1. Stress symptoms: Effects on your body and behavior, Mayo Clinic, Mayoclinic.org
  2. Stress, NHS, Nhs.uk